Phù chân là một triệu chứng khá phổ biến và có tới hơn 75% phụ nữ khi mang thai mắc phải. Mặc dù, phù chân khi mang thai không để lại di chứng gì nguy hiểm và sẽ dần mất đi sau khi sinh. Tuy nhiên, đây là triệu chứng thường mang lại cảm giác khó chịu, thậm chí đau đớn cho các mẹ. Với một số biện pháp dưới đây các mẹ có thể xử lý phù chân khi mang thai một cách dễ dàng và rất hiệu quả:
1. Chọn giày dép và tất phù hợp
Khi mang thai, đặc biệt là những tháng cuối cùng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống phù nề cho các mẹ bầu. Nếu mang giày quá chật sẽ khiến chân phù nề càng trở nên đau và khó chịu, thậm chí còn gây nên chứng viêm tấy kẽ chân, chai, sần ngón chân.
Lúc này, mẹ cần chú ý không nên chọn giày, dép quá chật vừa gây sưng tấy, cảm giác bức bối, khó chịu cho mẹ vừa làm mất đi thẩm mỹ của đôi chân. Hơn nữa, mẹ cũng nên chọn những đôi giày có đế thấp vừa tránh gây ảnh hưởng cho xương, khiến đau lưng nhiều hơn. Thậm chí, lúc mang thai, trọng lượng của mẹ dồn về phía trước, gây mất thăng bằng có thể gây nguy hiểm cho thai nhi nếu chẳng may mẹ bị ngã.
Vì vậy, mẹ cần chú ý chọn những đôi giày phù hợp với kích cỡ chân, và độ cao khoảng 1 – 3 cm. Khi làm việc trong phòng hoặc ở nhà nên cởi giày, dép hay đi dép mềm để chân được thoải mái, thư giãn.
Ngoài ra mẹ cũng nên chú ý đến chất liệu và kích cỡ của tất. Tất làm từ cotton và không quá chật sẽ tốt cho mẹ bầu, giúp bàn chân có thể “thở” dễ dàng thay vì các loại tất làm từ sợi nylon.
2. Chăm sóc đôi bàn chân
Mẹ nhớ thường xuyên cắt móng chân, móng tay, không để chúng quá dài cũng như đâm vào da xung quanh móng. Giảm các vết chai, sần với đá bọt và thường xuyên dưỡng ẩm cho nếu như chân của mẹ bị khô, nứt nẻ.
Bên cạnh đó, mẹ có thể nhờ ông xã của mình massage mỗi tối để máu được dễ dàng lưu thông và hạn chế đáng kể chứng phù nề.
3. Có chế độ ăn uống hợp lý
Trước tiên, để chống phù nề các mẹ cần quan tâm nhiều đến chế độ dinh dưỡng bằng cách bổ sung đủ nguồn đạm cho cơ thể bằng các thực phẩm như: các loại thịt, cá, tôm, trứng, sữa, họ nhà đậu…
Ngoài ra, thiếu kali và thiếu sắt cũng là một trong những nguyên nhân gây phù nề kèm theo đó là các biểu hiện như: Nôn, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, nhịp tim thất thường… thì mẹ nên tăng cường bổ sung kali và sắt bằng các thực phẩm như: khoai lang, sữa chua, cà chua, rau chân vịt, mơ khô, nước cam, dưa hấu…
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên hạn chế ăn mặn, đồ chiên nướng, xào vì có thể làm cơ thể bị trữ nước tăng áp lực lên thận, gây khó tiêu, đầy hơi, lưu thông máu kém dẫn đến hiện tượng phù nề.
4. Uống đủ nước
Nước luôn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho mẹ, chống các triệu chứng ốm nghén trong suốt thai kỳ. Uống đủ nước cũng giúp hệ tiêu hóa, tiết niệu của mẹ được hoạt động tốt, tránh được hiện tượng tích lũy chất lỏng và gây phù. Để chống phù nề mẹ cần uống ít nhất từ 8 – 10 ly nước mỗi ngày. Có thể thay thế nước lọc bằng cách uống các loại nước ép trái cây để cung cấp vitamin và khoáng chất có lợi cho mẹ và thai nhi.
Ngoài ra, khi buồn tiểu, mẹ bầu cũng không nên nhịn vì nước tiểu trữ trong bàng quang cũng làm tăng mức độ sưng phù.
5. Tập thể dục
Mỗi ngày dành 20 – 30 phút để tập các bài tập vận động nhẹ nhàng, không lấy đi nhiều năng lượng của mẹ như đi bộ, bơi lội, yoga…cũng giúp cho cơ thể, đặc biệt là đôi chân của mẹ linh hoạt, khỏe khoắn và giảm sưng phù đáng kể.
– Đi bộ: Mẹ không nên vì chân sưng phù mà ngại di chuyển. Đi bộ khoảng 20- 30 phút mỗi ngày sẽ giúp bàn chân của mẹ linh hoạt hơn, giảm sưng phù.
– Bơi hoặc ngâm cơ thể trong bồn tắm mát, áp lực của nước lên da sẽ giúp làm giảm sưng.
Hoa Mai