Vào thời kỳ mang thai, cơ thể mẹ bầu phải sản xuất thêm 50% lượng máu và chất lỏng để đáp ứng cho các nhu cầu phát triển của thai nhi và gây nên hiện tượng phù khi mang thai. Phù khi mang thai có thể xuất hiện bất cứ trong giai đoạn nào cũng như ở rất nhiều bộ phận trên cơ thể người mẹ và gây nên cảm giác đau nhức, khó chịu.
Dưới đây mời các mẹ cùng tìm hiểu một số bộ phận thường bị phù nhiều nhất và một số cách khắc phục đơn giản để có một thai kỳ khỏe mạnh nhé!
1. Chân
Chân là bộ phận mà hầu hết mẹ bầu đều bị phù, nhất là trong những giai đoạn cuối thai kỳ do lưu lượng máu và cân nặng mẹ tăng cao, nên phải dồn hết sức ép về đôi chân làm đôi chân bị sưng phù. Đối với một số mẹ nếu đi giày quá chật hay do đặc thù công việc phải đứng hoặc ngồi quá lâu càng làm cho đôi chân bị phù nề nặng hơn.
Để hạn chế phù chân, mẹ nên tích cực vận động nhiều hơn, tránh đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu kết hợp massage bàn chân, ngâm nước ấm và chọn size giày dép phù hợp để đôi chân được thoải mái, lưu thông máu và không bị phù.
2. Đôi môi
Môi sưng phù là một tình trạng khá phổ biến mà nhiều mẹ bầu gặp phải. Nguyên nhân chủ yếu là do lớp da ở môi khá mỏng và nhạy cảm, kết hợp với sự thay đổi nội tiết tố khiến đôi môi mẹ cũng trở nên bị “biến dạng”. Tuy nhiên, mẹ bầu không cần phải lo lắng quá nhiều đâu nhé! Để hạn chế môi bị sưng phù mẹ chỉ cần tích cực uống nhiều nước, hạn chế ăn đồ mặn hoặc cay nóng và có thể dưỡng ẩm môi bằng dầu dừa, dầu oliu để có bờ môi mềm mại hơn.
3. Ngực
Một trong những dấu hiệu mang thai đầu tiên của nhiều chị em đó chính là ngực bị sưng và căng tức. Triệu chứng này có thể xuất hiện vào khoảng 1 – 2 tuần sau khi thụ thai và kéo dài cho đến hết thai kỳ. Tuy nhiên, cũng có một số mẹ bầu không hề bị sưng phù với vòng 1 của mình thì cũng không cần quá lo lắng vì đó là do cơ địa của từng người mà thôi.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần chú ý, trong thời kỳ mang thai nếu mẹ bị thiếu kali cũng có thể bị sưng ngực và sưng các bộ phận khác như chân, tay… Để ngăn ngừa tình trạng trên mẹ có thể ăn các thực phẩm giàu kali như hoa quả, rau xanh, thịt gà, thịt đỏ, sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại hạt…
4. Mũi
Mũi cũng là một trong những bộ phận dễ sưng phù vào thời kỳ mang thai. Nguyên nhân chính là việc lưu lượng máu tăng nhanh, khiến mạch máu phình ra kéo theo làm tăng kích cỡ của các bộ phận trong đó có mũi. Thậm chí, một số mẹ bầu còn bị chảy máu mũi do các mạch máu bị vỡ ra vì phải chịu áp lực quá lớn. Để ngăn ngừa, mẹ bầu nên nằm ngủ với gối cao vừa đủ, khi mũi sưng đau có thể chườm đá để mũi bớt sưng và dễ chịu hơn nhé!
5. Khuôn mặt
Không ít mẹ bầu khá hoảng hốt khi thấy khuôn mặt mình bỗng chốc bị sưng phù trong những tháng thai kỳ, nhất là những tháng cuối. Để hạn chế tình trạng này mẹ cần duy trì một chế độ ăn uống đủ chất, tích cực ăn nhiều rau xanh, trái cây, tập thể dục đều đặn và giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan. Chắc chắn sau khi sinh khuôn mặt mẹ sẽ nhanh chóng trở lại bình thường và xinh đẹp.
6. Nướu
Mang thai là thời kỳ các mẹ bầu phải đối mặt với các vấn đề về răng miệng khá nhiều. Trên thực tế có hơn 50% chị em có thể bị viêm lợi, gây sưng, chảy máu nướu. Để răng miệng được khỏe mạnh, mẹ hãy nhớ chăm sóc răng miệng kỹ càng, dùng bàn chải mềm đánh răng 2 lần/ngày, nên dùng nước muối pha loãng để súc miệng hàng ngày và đi khám nha khoa nếu có vấn đề bất thường đối với răng miệng của mình.
Chi Mai