Mang thai là một việc quan trọng và thiêng liêng đối với bất kì người mẹ nào. Do đó, người mẹ cần có những bước chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo cho 40 tuần mang thai và đảm bảo thuận lợi cho “chuyến vượt cạn” diễn ra thành công cũng như sức khỏe của mẹ bầu và trẻ sơ sinh.
1. Mang thai ở độ tuổi thích hợp
Người phụ nữ ở độ tuổi từ 22-29 tuổi có sức khỏe sinh sản tốt nhất vì cơ thể đã phát triển toàn diện, chất lượng trứng cũng ở thời kỳ tốt nhất. Ở độ tuổi này người phụ nữ đã phát triển đầy đủ về cả tâm – sinh lý cho việc mang thai và làm mẹ. từ độ tuổi 24-29, các điều kiện về nghề nghiệp, kinh tế gia đình sẽ thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe khi mang thai cũng như chăm sóc em bé khi ra đời để trẻ được phát triển toàn diện.
Nếu sinh con quá sớm (trước 20 tuổi) hoặc sinh con quá muộn (sau 35 tuổi) đều gây nhiều tai biến cho cả mẹ và thai nhi.
2. Có chế độ ăn uống hợp lý
Khẩu phần ăn nhiều mỡ và tình trạng béo phì của mẹ trong thời gian mang thai ảnh hưởng xấu đến sự hình thành các tế bào gốc máu tủy xương ở gan của bào thai (theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại ĐH Khoa học và Y tế Oregon). Điều này gây ra hạn chế sự phát triển hệ miễn dịch của trẻ, đồng thời khiến trẻ dễ mắc các bệnh dị ứng.
Với những ngày đầu của thai kỳ, việc ăn uống phải hết sức chú ý vì đây là thời điểm phôi thai cần được cung cấp những chất dinh dưỡng cơ bản và các vitamin để hình thành cấu tạo và các tổ chức bào thai. Mẹ bầu nên cố gắng ăn, không nên vì mệt mỏi, chán ăn mà nhịn đói sẽ để lại những hậu quả không tốt đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi sau này.
3. Tăng cân một cách thông minh
Tăng cân là việc tất yếu đối với các mẹ bầu. Cân nặng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển khỏe mạnh của mẹ và cục cưng trong suốt quá trình mang thai. Trong khi mẹ bầu thừa cân phải đối mặt với tình trạng sinh khó và khả năng mắc các bệnh trong thai kỳ như cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ…, mẹ bầu thiếu cân phải đối mặt với tình trạng thai nhi không đủ kg, sinh non, thậm chí là thai chết lưu.
Độ tăng cân hợp lý trong thai kỳ cho mẹ là:
– 3 tháng đầu thai kỳ tăng 2 kg
– Tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 và từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 9, mỗi giai đoạn tăng khoảng 5 kg.
Như vậy trong suốt thai kỳ, cân nặng của bà bầu chỉ nên tăng khoảng 12 kg là tốt nhất. Tuy nhiên, những mẹ đang ở tình trạng thừa cân trước khi mang thai chỉ nên tăng thêm khoảng 6-9 kg trong suốt thai kỳ, nếu mang thai đôi, mẹ nên tăng khoảng từ 16-20 kg.
4. Luyện tập thể dục an toàn trong thai kì
Cũng giống như bất cứ một người bình thường nào, tập luyện thể thao sẽ giúp mẹ bầu có thêm năng lượng để làm việc, vượt qua cảm giác mệt mỏi, ốm nghén… Tập thể thao như yoga rất có lợi cho vùng sàn chậu đồng thời giúp mẹ có thể sức mạnh để chiến đấu với những cơn đau chuyển dạ. Mẹ tập thể dục đều đặn cũng sẽ tăng khả năng chịu đau và sớm phục hồi sau sinh.Lợi ích tuyệt vời nhất của thể thao với mẹ bầu là giúp chị em nhanh lấy lại được vóc dáng sau sinh. Mẹ càng tập thể dục thường xuyên khi mang thai, thì cơ thể bạn càng mau hồi phục.
Một điều cần chú ý là khi tập luyện thể thao, mẹ bầu nên chọn các động tác nhẹ nhàng, thời gian tập luyện không nên kéo dài. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sỹ sản khoa và các chuyên gia sức khỏe để có bài tập thích hợp.
5. Khám thai định kì
Trong thời kỳ mang thai, người phụ nữ cần có thêm những thông tin, kiến thức cần thiết nhất để có thể tự chăm sóc mình và thai nhi; hay những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi để có thể phòng tránh. Vì vậy, khám thai định kỳ là điều nên làm. Việc khám thai định kỳ không chỉ cần thiết cho mẹ mà còn mang lại lợi ích cho sự phát triển của thai nhi. Thông qua việc khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ phát hiện được các yếu tố nguy cơ nhằm xử lý kịp thời, ngăn chặn các yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con.
6. Chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi sinh
Trước thời gian dự sinh khoảng 2 tuần, bạn nên sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, ăn thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như: sữa bò, trứng gà… chuẩn bị sức khỏe để vượt cạn. Nếu thấy các dấu hiệu sắp sinh, cần đến bệnh viện ngay để đảm bảo an toàn cho thai phụ và trẻ. Việc chuẩn bị đồ trước sinh nên được hoàn thành khi thai phụ được 8 tháng, vì bắt đầu từ thời điểm này thai phụ có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào. Chuẩn bị đồ cho cả mẹ và bé trước khi sinh một cách kỹ lưỡng sẽ giúp các mẹ khỏi bỡ ngỡ và lúng túng trước khi đón con yêu chào đời.