Mỗi đứa trẻ là mỗi cá thể khác nhau nhưng ở từng độ tuổi chúng lại có những đặc điểm phát triển tâm lý giống nhau nhất định. Và giai đoạn dưới 1 năm trở xuống cũng vậy, tâm lý của trẻ sơ sinh hầu hết là cần sự an toàn, gần gũi với cha mẹ nhiều nhất. Tuy nhiên, do lúc này bé chưa nói được nên cha mẹ cần nắm được các đặc điểm tâm lý của trẻ qua từng giai đoạn để gần gũi và giúp con phát triển đúng hướng nhất
1. Giai đoạn 0 – 3 tháng tuổi
Ngay từ khi sinh ra, bé đã có những phản xạ tự nhiên như phản xạ thở, phản xạ mắt, phản xạ về nhiệt độ, phản xạ tìm bú…để có thể thích nghi với hoàn cảnh mới. Phản xạ định hướng cũng là phản xạ tự nhiên, là cơ sở ban đầu cho hoạt động tìm tòi của bé.
Tuy nhiên, vào lúc này mắt bé chỉ nhìn được người hoặc vật có cự ly gần khoảng 20 – 25 cm. Do đó, nếu mẹ muốn nói chuyện với bé vào lúc này hãy ghé sát mặt để bé có thể nhận diện được vẻ mặt của mẹ.
Tuy mới sinh ra đứa trẻ hầu như bất lực không tự phát triển được bởi các giác quan còn hạn chế, nhưng lúc này bé lại có khả năng tiếp nhận kinh nghiệm và hành vi đặc biệt của con người.
Khi vừa mới ra đời, trẻ đã có những ứng xử làm cho người lớn phải quan tâm như mút, bám níu, mỉm cười, thể hiện một nhu cầu gắn bó với người lớn như muốn được ôm ấp, vỗ về. Phản xạ rúc đầu vào ngực mẹ, một mặt là để tìm vú, nhưng mặt khác là muốn áp sát vào da thịt mẹ để được ôm ấp vỗ về.
Nhưng lúc này bé chưa thể phân biệt được người quen người lạ nên nhu cầu này cũng có thể thoả mãn được bởi người khác, miễn là người đó có lòng yêu thương, sẵn lòng ôm ấp, vỗ về bé.
2. Giai đoạn 3 – 6 tháng tuổi
3 tháng tuổi là khi bé nhận thức được mẹ là người đặc biệt đối với mình. Bé có thể vẫn mỉm cười với những người khác nhưng bé cũng bắt đầu biết “phân loại” người này với người kia và có sự yêu ghét khác nhau đối với mỗi người.
Lúc này, não bộ và thị giác của trẻ đã được cải thiện đáng kể, tầm nhìn của bé được rõ và xa hơn kết hợp với sự phát triển của đỉnh thùy và thùy thái dương giúp bé nhận diện được nét mặt và giọng nói của mẹ nhanh hơn.
Đây cũng là giai đoạn góp phần phát triển kỹ năng giao tiếp cho bé, bé có xu hướng thích “hóng chuyện” khi nghe người lớn nói chuyện. Bé cố gắng bắt chước nói nguyên câu như bạn bằng cách xâu chuỗi các âm lại kiểu như “ma-me” hay “a-bu” và thường biểu lộ cảm xúc của mình bằng cách cười khúc khích, cười lớn, la hét hoặc khóc lớn để gây chú ý.
Ngoài ra, giai đoạn 3 – 6 tháng tuổi trẻ cũng rất tò mò và ham tìm hiểu thế giới xung quanh. Khi được bế ra ngoài thì nhìn ngó khắp nơi và thích cầm, nắm bất cứ thứ gì mà trẻ cầm được.
3. Giai đoạn 6 – 9 tháng tuổi
Vào giai đoạn này, hệ thống thị giác của bé đã được hoàn thiện hơn, bé có nhu cầu giao tiếp nhiều hơn và việc phân biệt người lạ, người quen cũng trở nên tốt hơn. Chẳng hạn như lúc có người lạ đến gần trò chuyện với bé, bé không mỉm cười ngay như trước mà tỏ ra sợ hãi, từ chối không muốn giao tiếp.
Cùng với nhu cầu giao tiếp và xuất hiện các hành động sờ, mó, cầm nắm đồ vật, bé cũng có những biểu hiện bắt chước hành động của người lớn.
Trong giai đoạn này hành động của bố mẹ và những người xung quanh có sự tác động rất lớn đến nhận thức và hành vi của trẻ. Do đó, bố mẹ cần chú ý cách giao tiếp, hành vi của mẹ để không làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.
4. Giai đoạn 9 – 12 tháng tuổi
Những cuộc nói chuyện giữa mẹ với trẻ trẻ đã khêu gợi ở đứa trẻ những trạng thái cảm xúc tích cực, sự thích thú được giao tiếp với người lớn và bắt đầu có những phản ứng lại với những sắc thái tình cảm khác nhau trong lời nói của người lớn. Ví dụ khi mẹ nói chuyện với nét mặt vui vẻ, bé cũng sẽ phản ứng lại bằng cách cười để biểu lộ sự thích thú, thỉnh thoảng sẽ bi bô những từ “cha cha”, “bà bà”… như đáp lại cuộc nói chuyện của mẹ.
Vào khoảng tháng thứ 11 và tháng thứ 12, trẻ càng thích giao tiếp với người lớn bằng những âm bập bẹ. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với việc tập nói và phát triển ngôn ngữ của bé sau này.
Hạ Trâm