Chăm sóc trẻ sơ sinh là một việc không hề đơn giản đối với các chị em, nhất là những người mới làm mẹ lần đầu. Lúc này, bé chưa nói được nên mẹ cần tinh ý theo dõi thái độ và hành vi của bé để có cách chăm sóc sao cho phù hợp nhất
Dưới đây sẽ là một số gợi ý nhỏ chị em có thể tham khảo trong quá trình chăm sóc các bé của mình:
1. Chế độ dinh dưỡng
Theo các chuyên gia, bé cần được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên. Nếu có điều kiện khi đã qua 6 tháng đầu tiên mẹ có thể cho các bé ăn thêm một số thức ăn ngoài nhưng vẫn nên tiếp tục cho bé bú tới 1 năm đến 1 năm rưỡi. Sữa mẹ luôn là nguồn thức ăn dồi dào chất dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Do đó, bú sữa mẹ không chỉ giúp tình cảm mẹ và bé ngày càng được gắn bó mà còn cung cấp một lượng dinh dưỡng lớn, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện ở trẻ. Để đảm bảo cho bé được hấp thụ đủ lượng sữa cần thiết, mẹ cần cho bé bú đúng cách và cách 1 – 2 giờ cho bé bú một lần, tức là khoảng từ 8- 12 lần/ngày.
Còn đối với những chị em mất sữa, hoặc thiếu sữa, khi cho bé bú sữa công thức mẹ cần chú ý đến công thức và chọn loại phù hợp với từng tháng tuổi của bé. Khi pha sữa, mẹ phải đọc kỹ hướng dẫn để pha chế đúng lượng nước và lượng sữa chính xác. Chú ý đảm bảo vệ sinh, không dùng sữa thừa, không trộn thêm thức ăn vào sữa và nên thường xuyên thay đổi loại sữa để trẻ không bị ngán.
2. Vệ sinh
Vệ sinh cũng là một trong những khâu quan trọng đảm bảo sự phát triển toàn diện ở trẻ, hạn chế được một số bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.
Vào mùa hè, mẹ có thể vệ sinh cho bé bằng cách tắm cho bé hằng ngày, còn mùa đông, mỗi ngày mẹ nên lau các nếp gấp hay có mồ hôi như mặt, mũi, nách, tay, chân, bẹn, mông và bộ phận sinh dục để đảm bảo vệ sinh cho bé. Cách 2 – 3 ngày mẹ nên tắm cho bé một lần. Sau khi tắm xong mẹ cần nhanh chóng lau khô, thoa dầu, phấn rôm (loại dành cho trẻ em) và mặc tã, quần áo cho bé.
Mẹ cũng cần chú ý khi mới sinh, bé chưa thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài nên kể cả mùa hè bé cũng cần được tắm bằng nước ấm và nhanh lau khô, mặc quần áo cho bé để tránh cảm lạnh.
Hằng ngày, mẹ cũng nên dùng bông gòn, gạc, tăm bông, khăn mềm kết hợp với nước muối sinh lý để vệ sinh tai, mắt, mũi, miệng cho bé. Thường xuyên cắt móng tay, móng chân cho bé để tránh móng tay làm bé bị trầy xước.
3. Xoa bóp, massage
Xoa bóp, massage không chỉ có tác dụng giúp lưu thông máu, cải thiện hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ hô hấp mà còn giúp các cơ của trẻ phát triển tốt và chống nhiễm trùng.
Mỗi ngày mẹ nên dùng dầu massage chuyên dụng cho trẻ sơ sinh, đặt bé lên một chiếc khăn và bắt đầu massage từ bàn chân, ngón chân, bàn tay, ngón tay sau đó đến ngực, lưng cho bé.
Trước khi massage mẹ cần chú ý tháo trang sức, cắt ngắn móng tay và làm mềm bàn tay của mẹ để không làm bé đau. Thời điểm tốt nhất để massage cho bé là sau khi tắm, trước khi đi ngủ để trẻ được thoải mái, thư giãn.
4. Chăm sóc giấc ngủ
Theo nhiều nhà khoa học, thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí tuệ của con người, nhất là với trẻ nhỏ trong những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, chất lượng giấc ngủ của trẻ không phải là thời gian ngủ mà là trẻ ngủ có ngon giấc hay không đó mới là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Trẻ sơ sinh thường ngủ liên tục, mỗi ngày ngủ khoảng 16 – 18 tiếng. Trẻ chỉ thức dậy khi đói và khi đi vệ sinh. Ở giai đoạn này, mẹ nên cho bé ngủ riêng trong nôi, cũi sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn và giúp bé tránh khỏi nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp. Để yên tâm mẹ có thể đặt nôi, cũi của bé trong phòng của bố mẹ để tiện chăm sóc
Khi cho bé ngủ mẹ cũng nên chú ý chọn nơi ít tiếng ồn, thông thoáng, mát mẻ, ánh sáng dịu nhẹ và xung quanh. Không nên đùa giỡn, nói chuyện quá nhiều hoặc cho bé ăn quá no trước khi ngủ.
Thảo Nguyên