Thương mại điện tử đã bắt đầu có được chỗ đứng của mình, dù rất khiêm tốn. Ðây mới chỉ là điểm khởi đầu, những kết quả đạt được dù rất nhỏ nhưng sẽ là nền tảng cho một sự phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Sự nỗ lực của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, sự nhạy bén của các tổ chức, doanh nghiệp tiên phong đã góp phần đưa đến những thành công ban đầu cho thương mại điện tử Việt nam. Có thể kể ra một số ứng dụng thương mại điện tử phổ biến hiện nay ở Việt nam.
a. Quảng cáo trên mạng
Cho đến nay, khoảng 500 doanh nghiệp Việt nam có trang web trên Internet (chiếm 1%). So với các nước phát triển, thì đây là một tỷ lệ quá thấp (ở Mỹ tỷ lệ này là 70%) nhưng với chúng ta, đó là một con số rất có ý nghĩa. Những doanh nghiệp có trang web thường là những doanh nghiệp lớn. Tuy chưa trực tiếp bán hàng nhưng với việc xây dựng trang web, các doanh nghiệp Việt nam đã tạo cho mình một văn phòng giao dịch trên mạng, chuẩn bị sẵn sàng cho các giao dịch thương mại điện tử trong thời gian tới
Ngoài ra hàng ngàn các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đưa thông tin quảng cáo trên các web site của các nhà cung cấp thông tin trên Internet như VDC, FPT, Netnam, Phương nam….Khi vào bất kì trang web nào của Việt nam hiện nay, chúng ta đều thấy khá nhiều logo, banner quảng cáo của các tổ chức doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực của nền kinh tế: từ điện tử, viễn thông, tin học, sản xuất chế biến, xuất nhập khẩu, du lịch đến các cửa hàng kinh doanh, các nhà may, thậm chí cả các phòng tranh của các hoạ sĩ. Trang web càng đẹp, hấp dẫn, càng nhiều người truy cập thì càng có nhiều công ty quảng cáo.
Các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng đưa ra những hình thức quảng cáo rất đa dạng để thu hút các doanh nghiệp tham gia. Ngoài web, đặt logo, banner còn tổ chức các chuyên trang như Top 100, Best Ten (trên http://www.vnn.vn/), trang kinh doanh business.vnn.vn, tổ chức các hội chợ thương mại trên Internet. Các mục rao vặt trên Internet cũng rất phát triển, bạn có thể tìm mua các mặt hàng đơn lẻ trên mục rao vặt của www.fpt.vn(Trở lại đầu trang)
b. Thông tin
Hiện nay, có rất nhiều thông tin thương mại được cung cấp bởi các nhà cung cấp thông tin Internet của Việt nam tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp.
Trên trang web www.vnn.vn của VASC cung cấp cho bạn một khối lượng thông tin khổng lồ miễn phí:
+ Trang vàng: Cung cấp thông tin về các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực
+ VNN guide & shoping: Cung cấp các thông tin về các dịch vụ (máy bay, taxi, giặt là, bệnh viện), về mua sắm…
+ Bản tin thị trường: Cung cấp đầy các thông tin về giá cả các loại hàng hoá, dịch vụ. Tỷ giá ngoại tệ, giá vàng…
+ Bất động sản: Cung cấp thông tin về bất động sản tại các thành phố lớn trong cả nước.
+ Tư vấn pháp luật, tư vấn đầu tư… và nhiều thông tin khác
Ngoài ra bạn còn tìm thấy nguồn thông tin phong phú trên hàng loạt các trang web khác như http://www.business.vnn.vn/ , http://www.tintuc.vnn.vn/, http://www.fpt.vn/, http://www.vitranet.vnn.vn/ …
c. Xuất bản
Hiện nay, xu thế xuất bản điện tử đang diễn ra phổ biến trên thế giới và đem lại nguồn doanh thu lớn cho các nhà xuất bản. ở nước ta, ngày càng có nhiều tờ báo điện tử xuất hiện trên mạng. Các toà soạn cuối cùng cũng đã nhận ra xu thế phát triển tất yếu của loại hình này. Hiện nay, việc xuất bản điện tử đơn thuần là để cung cấp thông tin, quảng bá thông tin ra nước ngoài, chưa hề có chuyện bán báo điện tử ở Việt nam, nhưng các Báo đều hy vọng rằng điều đó sẽ diễn ra cùng với sự phổ cập của Internet trong thời gian tới.
Các Báo đi đầu trong lĩnh vực này có: Nhân Dân, Thông tấn xã Việt nam, Thời báo kinh tế, Lao động, Quê hương, Thế giới…
d. Thanh toán
Ðây là lĩnh vực ứng dụng công nghệ Internet nhiều nhất ở nước ta cho nên có thể nói hoạt động thương mại điện tử hiện nay chủ yếu là trong lĩnh vực thanh toán và các lĩnh vực khác của ngân hàng. Ðiều đó thể hiện qua việc hệ thống ngân hàng của Việt nam đã tham gia thanh toán quốc tế thông qua việc nối mạng SWIFT.
Từ năm 1993, hệ thống ngân hàng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ tin học vào công tác thanh toán chuyển tiền nhưng mới ở trình độ bán cơ giới bằng việc hoán chuyển chứng từ bằng giấy sang dữ liệu máy tính , để chuyển tới ngân hàng có đơn vị thụ hưởng. Kể từ khi thực hiện thanh toán qua mạng máy tính, công việc thanh toán được thực hiện nhanh, chính xác, tăng nhanh vòng quay vốn, tạo cho doanh nghiệp giảm chi phí và chủ động trong sử dụng đồng vốn. Ðối với hệ thống ngân hàng đã giảm được đáng kể lượng tiền mặt trong lưu thông kéo theo nhiều lợi ích kinh tế khác như tiết kiệm chi phí in ấn, kiểm đếm, đóng gói, vận chuyển, bảo quản,..
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới bắt đầu hoạt động kinh doanh đối ngoại và thanh toán quốc tế từ năm 1993. Gia nhập hệ thống SWIFT từ tháng 3 năm 1995, hiện đã có 20 chi nhành thực hiện thanh toán quốc tế qua SWIFT từ cơ sở đang mở rộng đến các chi nhánh có đủ điều kiện. Tổng số điện đã chuyển qua hệ thống SWIFT trong năm 1997 là 14.000 với tổng số tiền là 756 triệu USD.
Ngân hàng Công thương Việt nam, được đánh giá là một trong những ngân hàng dẫn đầu của Việt nam trong lĩnh vực ứng dụng, đưa tiến bộ của công nghệ thông tin vào kinh doanh ngân hàng. Hệ thống máy tính của ngân hàng đã được nối mạng từ cơ sở, các phòng tín dụng đến các chi nhánh về trung tâm diện toán của ngân hàng trung ương. Hệ thống máy tính đã giúp cho việc kinh doanh tiền tệ chặt chẽ và nhanh nhạy hơn. Gần đây, Thủ tướng chính phủ ra một văn bản cho phép sử dụng chứng từ điện tử, sau đó Thống đốc ngân hàng Nhà nước ban hành quy chế chuyển tiền điện tử. Trước đây, sau khi tập trung số liệu, lưu trữ số liệu bằng đĩa mềm thì ngân hàng Công thương vẫn cứ phục hối hay là song song làm chứng từ bằng giấy, làm như vậy rất chậm và tốn công. Tuy nhiên việc sử dụng chứng từ điện tử đối với ngân hàng cũng chưa thể hoàn thiện ngay được, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
e. Bán hàng trên mạng
Ngày 19/12/1998, Trung tâm Dịch vụ Gia tăng Giá trị (VASC) khai trương siêu thị điện tử đầu tiên tại địa chỉ http://203.162.5.45/cybermall/ . Trên Cybermall bày bán khá nhiều mặt hàng và người xem có thể tự do dạo chơi trên siêu thị, chọn mua mặt hàng mà mình thích rồi đặt mua hàng. Siêu thị được thiết kế với đầy đủ các tính năng cần thiết để việc mua, bán hàng được thuận tiện, duy chỉ có chức năng thanh toán bằng tiền điện tử là không thực hiện được không phải vì khả năng kĩ thuật không cho phép mà đơn giản là hệ thống Ngân hàng Việt nam chưa áp dụng loại hình thanh toán này. Ban đầu, mọi người vào siêu thị vì tò mò, sau thấy đơn giản tiện lợi, một số đã đặt mua hàng. Mọi chuyện diễn ra thuận lợi và một số nhà cung cấp đã đăng kí bán hàng trên siêu thị khiến cho hàng hoá ngày càng trở lên phong phú.
Sau Cybermall, một số Siêu thị điện tử khác của Việt nam cũng đã ra đời như Siêu thị máy tính tại http://www.bluesky.com.vn/ . Doanh số bán hàng qua mạng còn rất khiêm tốn vì nhiều lý do nhưng điều quan trọng là người dân Việt nam đã làm quen được với một phương thức bán hàng hoàn toàn mới. Nếu như phương thức ấy được phổ biến, trở thành một thói quen, một tập quán mua bán thì thương mại điện tử sẽ hứa hẹh một tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
f.Thay cho lời kết
Có hai người bạn trẻ thành công vì họ đã làm trung gian thương mại rất hiệu quả. Họ tìm được bên cần bán rồi liên hệ với người cần mua, xúc tiến các giao dịch. Thông tin trên Internet dành cho tất cả, nhưng lại chỉ mang lợi cho những người biết cách sử dụng nó một cách có ích. Cũng vậy, mọi doanh nghiệp đều có cơ hội ngang bằng nhau khi tham gia kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên thị trường, nhưng chắc chắn sẽ có doanh nghiệp này thành công hơn doanh nghiệp khác. Ðiều cốt yếu là ai biết sử dụng tối đa các tiện ích cũng như công nghệ mà thời đại mang lại.
Xin dẫn lời một quan chức trong cuộc hội thảo về Thương mại điện tử được tổ chức tại Hà nội ngày 21-06 vừa qua :”Thương mại điện tử là xu thế và chúng ta không thể đứng ngoài, ở Việt Nam tuy con đường đã mở nhưng còn lắm trắc trở và cần cẩn trọng trong từng bước đi đầu”.
Theo Quanlythuonghieu